Đến đất mũi Cà Mau không chỉ được đặt chân đến “khúc ruột” cuối cùng của Tổ quốc mà còn được hòa vào dòng chảy thắm đượm tình đất, tình đời của những người dân miền sông nước thật thà, chất phác.
Lần này tôi quyết tâm chọn Cà Mau để “phượt” trong chuyến hành trình về điểm cuối đất nước. Chuyến xe đò từ Vũng Tàu sau chặng hành trình 10 tiếng đồng hồ dừng ở bến xe Năm Căn, bác tài xế chạc tuổi 60, hỏi: “Về đâu chú ơi? Nếu đi về Đất mũi thì cứ 15 phút có một chuyến. Nhanh thôi!”. Tôi cảm tình ngay với giọng Cà Mau “chính hiệu” của ông.
Rồi bác tài xế nhanh nhảu bảo: “Anh về Đất mũi hả? Lên lẹ đi! Hành trình tới đó gần giờ thôi. Mùa này Đất mũi đẹp lắm, thời tiết mát mẻ, lãng mạn vô cùng”. Nghe bác tài xế nói, lòng tôi lâng lâng. Thực tình trong tiềm thức tôi chưa mường tượng được Đất mũi thế nào, song sự nhiệt tình mến khách của người dân Năm Căn, lòng tôi cảm thấy ấm áp.
Con đường dẫn tôi đến Đất mũi phải đi qua nhiều kênh rạch. Có những đoạn đường xăm xắp nước. Hai bên là những ngôi nhà dân bản xứ đơn sơ, bốn bề là cây tràm. Có những đoạn đường vắng không người ở. Lại có những đoạn đường toàn rừng tràm bát ngát màu xanh.
Đất mũi hiện ra trước mắt tôi sau gần một giờ xe chạy. Tôi lặng người đứng nhìn lá cờ Tổ quốc trên mô hình con tàu. “Đất mũi đây ư? Đoạn cuối của nước Việt đây ư?”. Tự dưng nước mắt tôi chảy ra, xúc động. Anh bạn cùng chuyến hành trình bảo: “Tôi không ngờ Đất mũi đẹp đến vậy! Được đặt chân đến điểm cuối của Tổ quốc, tôi đã mãn nguyện rồi”. Người bạn nhìn xa xăm ra biển Đất mũi để giấu những cảm xúc dâng tràn trên khóe mắt. Trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi đặt chân lên Mũi Tàu, đến công viên, rảo bước quanh cột mốc biên giới quốc gia. Xen lẫn niềm vui là cảm xúc dâng tràn.
Đất Mũi không ồn ào náo nhiệt như bãi biển Nha Trang hay Vũng Tàu, cũng không tấp nập như du lịch chùa Hương, Hạ Long, mà lặng lẽ “nghiêng thuần” về chất thôn quê mộc mạc. Có lẽ chính sự bình dị này đã hút và níu chân du khách thập phương. Cô nhân viên du lịch Đất mũi chia sẻ: “Đến Đất mũi du khách chủ yếu cảm xúc với “điểm cuối” của Tổ quốc nhiều hơn. Đất mũi luôn dang rộng vòng tay những người con tìm về nguồn cội lịch sử, hoặc khám phá du lịch “miền đất lành”.
Trở về TP Vũng Tàu sau 2 ngày “thực mục sở thị” Đất mũi. Tất cả chúng tôi đều tiếc nuối bởi không được ở lâu hơn, chưa được đi sâu hơn vào rừng đước, rừng tràm nguyên sinh bằng xuồng ba lá. Người bạn tôi bảo: “Năm sau chúng ta lại phượt nhé”. Còn cô em gái tôi trầm trồ: “Lúc ngồi trên xuồng đi vào rừng tràm, lúc ăn cá nướng giữa rừng, em cảm giác như lạc vào thế giới lạ. Mình cứ vùi đầu ở thành phố đông người, về Đất mũi là để “thở” thì tại sao không?
Tạm biệt Đất mũi, tạm biệt Cà Mau, trong tai tôi vẫn văng vẳng lời bài hát say đắm lòng người: “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”.
Cà Mau nổi tiếng với đặc sản tôm khô Cà Mau. Nếu bạn có dịp ghé thăm nơi đây, đừng quên mua tôm khô Cà Mau về làm quà cho những người thân yêu nhé!